Tết Trung Thu, sự tích và nguồn gốc

Cho tới ngày nay, dân gian vẫn lưu truyền nhiều sự tích ý nghĩa liên quan tới ngày lễ đặc biệt này, sau đây là một số sự tích được nhiều người biết đến.

Sự tích 1:

Theo sách cổ thì Tết Trung thu bắt đầu từ đời nhà Đường, thời vua Duệ Tôn, niên hiệu Văn Minh. Sách xưa chép rằng, nhân một đêm rằm tháng tám, khi cùng các quan ngắm trăng, vua Đường ao-ước được lên thăm cung trăng một lần cho biết. Pháp-sư Diệu Pháp Thiên tâu xin làm phép đưa vua lên cung trăng. Lên tới cung trăng, Minh Hoàng được chúa tiên tiếp rước, bày tiệc đãi đằng và cho hàng trăm tiên nữ xinh tươi mặc áo lụa mỏng nhiều màu sắc rực rỡ, tay cầm tấm lụa trắng tung múa trên sân, vừa múa vừa hát, gọi là khúc Nghê-Thường vũ y.

Vua Đường thích quá; nhờ có khiếu thẩm âm nên vừa trầm trồ khen ngợi vừa lẩm nhẩm học thuộc lòng bài hát và điệu múa mong đem về hoàng cung bày cho các cung nữ trình diễn. Cuối năm đó, quan Tiết Độ Sứ cai trị xứ Tây Lương mang về triều tiến dâng một đoàn vũ nữ với điệu múa Bà-la-môn. Vua thấy điệu múa có nhiều chỗ giống Nghê-Thường vũ y, liền chỉnh đốn hai bài hát và hai điệu làm thành Nghê-Thường vũ y khúc. Về sau các quan cũng bắt chước vua mang điệu múa hát về các phiên trấn xa xôi nơi họ cai trị rồi dần dần phổ biến khắp dân gian. Tục ngắm trăng, xem ca múa sau biến thành thú vui chơi đêm rằm Trung Thu .

Sự tích 2:

Hậu Nghệ là một người bất tử, trong khi đó Hằng Nga là một tiên nữ xinh đẹp sống ở Thiên Đình và phục vụ cho Tây Vương Mẫu. Cả hai người là vợ chồng. Sắc đẹp của Hằng Nga và sự bất tử của Hậu Nghệ đã làm cho một số vị thần tiên khác ghanh ghét, và họ đã vu oan một tội lỗi phạm thiên đình cho Hậu Nghệ trước mặt Vua Nghiêu. Từ đó, Hằng Nga và Hậu Nghệ bị đuổi khỏi hoàng cung và phải sống cuộc đời thường dân. Từ đó, cuộc sống làm lụng, săn bắn đã làm cho chàng Hậu Nghệ trở thành một xạ thủ có tiếng trong dân gian.

Bấy giờ, có 10 mặt trời cùng lúc tồn tại, cứ một mặt trời thì chiếu một ngày, và cứ thay phiên như vậy trong vòng một ngày. Tuy nhiên, tai họa ập đến, một ngày kia cả 10 mặt trời cùng xuất hiện trong một ngày và đã thiêu cháy hầu hết sinh linh trên mặt đất. Trước hoàn cảnh “ngàn cân treo sợi tóc” trên, Vua Nghiêu đã sai Hậu Nghệ bắn rơi 9 mặt trời chỉ để một cái lại mà thôi. Chàng Hậu Nghệ đã hoàn thành sứ mạng xuất sắc.

Để đáp lại, Vua Nghiêu đã cho chàng một viên thuốc trường sinh bất lão và dặn rằng “Tạm thời không được uống cái này vào, hay bắt đầu cầu nguyện và ăn chay trong một năm sau đó mới được uống”. Hậu Nghệ làm theo, chàng đem viên thuốc về nhà và giấu nó ở cái rui trên nóc nhà và tự khổ luyện tinh thần. Được khoảng nửa năm, Vua Nghiêu mời chàng đến kinh thành “chơi” . Hằng Nga ở nhà thì bỗng lưu ý đến một vật sáng lóng lánh trên mái nhà và phát hiện ra viên linh dược, sau đó, biết là linh dược, nàng đã uống ngay viên thuốc cũng đúng lúc Hậu Nghệ vừa về đến và ngay tức khắc chàng đã biết chuyện gì đã xảy ra. Nhưng tất cả đã quá muộn, Hằng Nga bắt đầu bay về trời.

Với chiếc nỏ trong tay, Hậu Nghệ đuổi theo Hằng Nga. Nhưng đi được đến nửa đường thì thần Gió đã cản chàng lại mặc cho nàng tiên nữ xinh đẹp kia bay đến mặt trăng. Khi vừa đến nơi Hằng Nga bỗng không thở được và viên thuốc bỗng văng ra. Kể từ đó, Hằng Nga mãi ở trên mặt trăng không thể nào trở lại. Truyền thuyết còn kể lại rằng nàng đã kêu gọi những con thỏ ở mặt trăng tạo ra viên thuốc giống như vậy để nàng còn quay về với người chồng ngày đêm mong nhớ, nhưng tất cả đều vô dụng.

Trong khi đó, ở dương thế, sự mong nhớ và nỗi hối hận ngày đêm cồn cào Hậu Nghệ. Cuối cùng, chàng xây một lâu đài trong mặt trời và đặt tên là “Dương”, trong khi đó thì Hằng Nga cũng xây một lâu đài tương tự đặt tên là “Âm”. Cứ mỗi năm một lần, vào ngày rằm tháng 8, hai người được đoàn viên trong niềm hân hoan hạnh phúc. Chính vì thế mà mặt trăng luôn thật tròn và thật sáng vào ngày này như đê nói đến niềm vui, sự hân hoan khi được gặp mặt của con người. 
Đây là tài liệu có trong truyền thuyết Trung Quốc khá phổ biến ở thời Tây Hán(206 TCN – 24 SCN).

Sự tích 3:

Một truyền thuyết khác đã cho rằng: Hằng Nga và Hậu Nghệ đều là những vị thần bất tử sống trên thiên đình. Một ngày kia, người con trai thứ 10 của Ngọc Hoàng đã phân thân thành mười mặt trời từ đó gây nên thảm kịch cho loài người. Trước tình hình đó, Hậu Nghệ, với tài bắn tên của mình đã bắn rơi 9 mặt trời nhưng vì tình cảm, đã tha chết cho bản thể thứ 10 của con trai của Ngọc Hoàng. Dĩ nhiên, Ngọc Hoàng không chấp nhận và rất phật ý. Ông ta đã trừng phạt Hậu Nghệ và Hằng Nga bằng cách bắt họ phải sống cuộc đời con người ở trần thế.

Sau khi xuống trần thế, hối tiếc cuộc sống bất tử đã qua, Hậu Nghệ đã bỏ nhà ra đi tìm thứ thuốc có thể trường sinh bất lão. Cuối cùng, chàng tìm thấy Tây Vương Mẫu, bà đã cho Hậu Nghệ linh dược, nhưng dặn rằng: mỗi người chỉ nên uống nửa viên để có được sự sống trường tồn.

Hậu Nghệ đem viên thuốc về nhà và để nó trong một chiếc lọ. Chàng đã cảnh báo Hằng Nga không được mở chiếc lọ ra để xem trong đó có gì và đi săn bắn trong vài tháng. Cũng giống như Pandora trong Thần Thoại Hi Lạp. Sự tò mò đã làm Hằng Nga mở chiệc lọ và tìm thấy viên thuốc, dĩ nhiên nàng đã uống hết viên linh dược mà không biết rằng mỗi người chỉ nên uống nửa viên. Hậu quả thật tai hại, Hằng Nga đã bay về mặt trăng mà không thể cứu vãn được. Kể từ đó cả hai người đã phải sống trong tình cảnh chia lìa, ngăn cách.

Sự tích 4

Thuở xưa, vua Đường Minh Hoàng là người rất muốn luyện phép tu tiên. Chính tục lệ treo đèn và bầy cỗ vào đêm rằm tháng Tám vì đó là ngày sinh nhật của ông nên truyền cho thiên hạ khắp nơi phải làm thế để mừng cho ông. Chính vào đêm rằm này, ông ra lệnh cho viên đạo sĩ La Công Viễn làm phép thế nào để ông du hồn lên chơi trên mặt trăng. Truyền thuyết kể rằng đạo sĩ này đã cho ông uống một liều thuốc gì đó rồi nói vua kê đầu vào một cái gối đặc biệt trong một khung cảnh mờ ảo có đốt hương trầm phảng phất. Quả nhiên, nhà vua trong chốc lát thấy hồn mình nhẹ nhàng bay bổng lên vùng Nguyệt Điện rồi chứng kiến một bày tiên nữ lả luớt nhảy múa ca hát trong những bộ xiêm y theo bảy sắc của cầu vồng. Lúc tỉnh dậy, nhà vua bèn nhớ lại bắt chước mà sáng tác ra khúc nhạc Nghê Thường Vũ Y Khúc (Nghê là cái cầu vồng, Thường là cái xiêm váy). Khúc nhạc này rất nổi tiếng và lưu dấu trong thi văn hậu thế và ngộ thay, vua Đường Minh Hoàng đầy nghệ sĩ tính lại được giới nghệ thuật ca vũ Trung Hoa đời sau suy tôn là "Thánh tổ" của nghề nghiệp của họ.

Về mặt lịch sử:

Tục vui Tết Trung-Thu đã có từ thời Đường Minh Hoàng bên Trung-Hoa, vào đầu thế kỷ thứ tám (713-755). Sau đó tết Trung Thu lan rộng sang các nước láng giềng và thuộc địa của Trung Hoa.

Theo các nhà khảo cổ học thì Tết Trung Thu ở Việt Nam có từ thời xa xưa, đã được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Còn theo văn bia chùa Đọi năm 1121 thì từ đời nhà Lý, Tết Trung Thu đã được chính thức tổ chức ở kinh thành Thăng Long với các hội đua thuyền, múa rối nước và rước đèn. Đến đời Lê - Trịnh thì Tết Trung Thu đã được tổ chức cực kỳ xa hoa trong phủ Chúa. Nghiên cứu về nguồn gốc Tết Trung Thu, theo học giả P.Giran (trong Magiet Religion, Paris, 1912) thì từ xa xưa, ở Á Đông người ta đã coi trọng Mặt Trăng và Mặt Trời, coi như một cặp vợ chồng. Họ quan niệm Mặt Trăng chỉ sum họp với Mặt Trời một lần mỗi tháng (vào cuối tuần trăng). Sau đó, từ ánh sáng của chồng, nàng trăng mãn nguyện đi ra và dần dần nhận được ánh dương quang - trở thành trăng non, trăng tròn, để rồi lại đi sang một chu kỳ mới. Do vậy, trăng là âm tính, chỉ về nữ và đời sống vợ chồng. Và ngày Rằm tháng Tám, nàng trăng đẹp nhất, lộng lẫy nhất, nên dân gian làm lễ mở hội ăn Tết mừng trăng. Còn theo sách “Thái Bình hoàn vũ ký” thì: “Người Lạc Việt cứ mùa Thu tháng Tám thì mở hội, trai gái giao duyên, ưng ý nhau thì lấy nhau”. Như vậy, mùa Thu là mùa của thành hôn.

Người ta lại liên kết cái ý niệm "Tròn" (viên) của Trăng với cảnh quây quần "đoàn viên" của con người qui tụ ăn mừng để thưởng Trăng. Rồi từ ý niệm này, lại nảy sinh ra huyền thoại ông già dưới trăng "Nguyệt lão" chắp mối tơ hồng để trai gái kết hôn. Vầng trăng dịu dàng tượng trưng cho nguyên lý Âm, chủ về phụ nữ, nên vào đêm rằm Trung Thu, phụ nữ Trung Hoa thường bầy tiệc cúng Trăng với hương đèn và mâm ngũ quả cùng Nguyệt Bính, đặc biệt nếu cúng dưa hấu thì không nên bổ đôi mà phải lấy dao tiả thành hoa sen (vì kiêng cữ ý niệm "phân qua" tức là chia rẽ phân ly).

Một mặt khác:

Việt Nam là một nước nông nghiệp nên nhân lúc tháng Tám gieo trồng đã xong, thời tiết dịu đi, là lúc “muôn vật thảnh thơi”, người ta mở hội cầu mùa, ca hát vui chơi Tết Trung Thu.

Ở Trung Quốc: Trung Thu là lễ thức nông nghiệp, đối với người Hoa, ngày tết Trung thu có đốt đèn, lồng đèn hình cá chép, lễ vật cúng trăng gồm bánh Trung thu, bưởi, khoai môn và đậu phộng.

Người Hoa và người Việt đều làm bánh trung thu để cúng, ăn, biếu thân bằng quyến thuộc, và đãi khách. Điểm chung kế tiếp là người Hoa và người Việt đều tổ chức rước đèn trong đêm trung thu.

Xem thêm: Sự tích chị Hằng Nga